Vì sao vẫn ùn tắc sau thông xe đường Vành đai 2 Hà Nội?
Các phương tiện phải chật vật nhích từng chút một, nhiều người đi xe máy đi ngược chiều hoặc leo lên vỉa hè để di chuyển.
Dòng xe lưu thông hướng Trường Chinh – Láng từ đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đổ về, gặp “nút cổ chai” tại Ngã tư Sở nên khu vực này thường xuyên ùn tắc
Đầu tháng 11/2020, Hà Nội tổ chức lễ thông xe đường Vành đai 2 (VĐ2) trên cao với kỳ vọng tuyến Trường Chinh – Đại La – Minh Khai và nút giao thông Ngã tư Sở, Ngã tư Vọng giảm ùn tắc. Thế nhưng sau hơn 5 tháng, ùn tắc tại trục đường này vẫn rất nhức nhối…
Bỗng dưng trở thành “nút thắt” cổ chai
Ngày 20/4, PV Báo Giao thông trực tiếp lưu thông trên tuyến đường VĐ2 trên cao – dưới thấp ở cả hai khung giờ cao điểm – thấp điểm, ghi nhận tình trạng ùn tắc vẫn rất phức tạp. Dù đường trên cao chỉ cho ô tô lưu thông nhưng việc lượng lớn phương tiện liên tục đổ dồn xuống khiến các nút giao và tuyến đường dưới thấp ken cứng.
Khoảng 7h30, đập vào mắt PV là hàng nghìn phương tiện bị dồn ứ tại đường Trường Chinh hướng đi Láng – Ngã tư Sở kéo dài cả km qua điểm lên/xuống đường VĐ2 trên cao. Các phương tiện phải chật vật nhích từng chút một, nhiều người đi xe máy đi ngược chiều hoặc leo lên vỉa hè để di chuyển.
Phía trước đèn tín hiệu tại hướng Trường Chinh – Láng, dù lực lượng chức năng đã điều chỉnh tăng thời lượng đèn tín hiệu xanh, hướng đi Láng tăng hơn gấp đôi (99 giây), đèn đỏ giảm xuống 60 giây để dòng xe các hướng ít bị xung đột hơn nhưng để qua được ngã tư này, nhiều người phải mất khoảng 15 – 20 phút…
Tại nút giao Ngã tư Sở, hiện cấm các phương tiện trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao Ngã tư Sở. Các phương tiện lưu thông theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải liên tục ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thẳng ra Trường Chinh hoặc rẽ phải liên tục ra Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, khi ùn tắc, rất nhiều người vẫn cố tình rẽ.
Đường Trường Chinh hướng đi Giải Phóng – Minh Khai, ùn tắc còn nghiêm trọng hơn. Các xe lưu thông hướng đi Giải Phóng – Minh Khai hầu hết đều phải chờ khoảng 4 – 5 nhịp đèn đỏ mới có thể vượt qua được nút giao này.
Nguyên nhân do hai điểm lên/xuống cầu quá gần ngã tư nên không thể bố trí thêm điểm quay đầu. Các phương tiện buộc phải đi vào ngã tư để quay ngược trở lại dẫn đến dồn ứ. Trong khi đó, đoạn đường bên dưới đang rào chắn để phục vụ thi công hoàn thiện đường trên cao.
Chị Vũ Phương Thanh, chuyên viên của Sở Xây dựng Hà Nội thường xuyên lưu thông qua tuyến đường này cho biết: “Ban đầu tôi cũng như nhiều người khá kỳ vọng vào tuyến đường VĐ2 sẽ san sẻ lưu lượng phương tiện nhưng từ ngày thông xe, ngày nào đường cũng ùn tắc kéo dài, khiến chúng tôi khá mệt mỏi”.
Tiếp tục rà soát, tổ chức lại giao thông
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, từ khi thông xe đường VĐ2 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc giao thông, Sở GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức lại giao thông để hạn chế ùn tắc.
Cụ thể, theo ông Tuấn, Sở GTVT Hà Nội đã lắp đặt dải phân cách dẫn hướng, bổ sung biển báo hướng dẫn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông theo nội dung điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực nút giao Ngã tư Sở, Ngã tư Vọng.
“Chúng tôi cũng phối hợp với Phòng CSGT Công an Thành phố theo dõi, đánh giá công tác điều chỉnh tổ chức giao thông; phối hợp với Trung tâm điều khiển Giao thông điều chỉnh chu kỳ pha đèn tín hiệu giao thông phù hợp với phương án tổ chức giao thông tại khu vực nút giao Ngã tư Sở, Ngã tư Vọng và các nút đèn tín hiệu giao thông lân cận… nhưng ùn tắc chưa thuyên giảm”, ông Tuấn thông tin.
Liên quan đến các lối xuống của đường VĐ2 trên cao nằm gần các nút giao, không có các điểm quay đầu, ông Tuấn cho biết, việc thiết kế lối lên xuống VĐ2 trên cao đã được thành phố phê duyệt với mục tiêu phục vụ các phương tiện lưu thông an toàn, thuận lợi.
Trong quá trình vận hành, khai thác, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với hiện trạng hạ tầng giao thông.
“Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ còn đường trên cao và dưới thấp từ Ngã tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy. Cùng đó, tuyến đường VĐ2 sẽ còn hệ thống trên cao kéo dài đến Cầu Giấy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với liên ngành để tìm hiểu, đánh giá khắc phục các bất cập trên các tuyến đường VĐ2 để người tham gia giao thông đi lại thuận lợi”, ông Tuấn nói.
Đại diện Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, lưu lượng ô tô ở đường trên cao không bị điều tiết ở các nút đèn giao thông nên đổ về nút Ngã tư Sở, Ngã tư Vọng rất nhanh.
Các phương tiện trên đường VĐ2 trên cao sẽ tránh được ùn tắc nếu đường trên cao vượt nút Ngã tư Sở và có điểm lên xuống tại đường Láng. Tuy nhiên, hiện điểm xuống nằm trên đường Trường Chinh, phương tiện từ đường trên cao xuống, nhập ngay vào nút giao nên áp lực giao thông tăng lên rất nhiều.
Theo vị này, việc phân bổ trên khiến nhiều chủ phương tiện muốn rẽ trái do không muốn phải chờ quá lâu đã tràn lên cả làn đường dành cho phương tiện đi thẳng, khiến tốc độ lưu thông của các phương tiện chậm lại. Các phương tiện từ đường trên cao đổ xuống, đường Trường Chinh (dưới thấp) đổ về Ngã tư Sở liên tục khiến ùn tắc kéo dài.
“Hiện trong giờ cao điểm, để giảm ùn tắc, chúng tôi phải bố trí tối đa lực lượng phân luồng, tăng cường xử lý các phương tiện vi phạm”, vị này nói.
Cần sớm đầu tư hoàn thiện đường VĐ2
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, nguyên tắc tại các ngã ba, ngã tư cần có cầu vượt, hầm chui để phương tiện thoát nhanh khỏi nút giao, tránh xảy ra xung đột.
Theo PGS. TS. Thủy, giao thông cũng giống một dòng chảy, chỉ mở rộng một vị trí nhưng các vị trí khác vẫn co hẹp sẽ gây ùn tắc cục bộ. Áp lực giao thông nội đô rất lớn đã biến những tuyến mang tính kết nối như VĐ2 thành đường nội đô, càng làm gia tăng ùn tắc. “Về lâu dài, cần hoàn thiện đoạn tuyến đường VĐ2 từ Ngã tư Sở – Cầu Giấy, mở rộng lòng đường để đồng bộ năng lực lưu thông. Cùng đó, cần làm đường ngầm dưới Ngã tư Sở hướng từ Trường Chinh qua Láng để giải tỏa ùn tắc”, bà Thủy nói.