Doanh nghiệp logistics kỳ vọng “thông luồng” nửa cuối năm

12 months ago
  • 0

Trong nửa cuối năm 2023, với kỳ vọng giá cước cho thuê tàu tăng và xuất khẩu khởi sắc, ngành logistics sẽ cải thiện bức tranh kinh doanh.

  • Kinh doanh ảm đạm khi sức cầu yếu

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều nước, sức mua suy giảm trên diện rộng, đặc biệt là ở các thị trường lớn vốn là khách hàng lâu năm của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Tại Việt Nam, theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng đầu năm 2023 giảm 3% so với cùng kỳ, đạt khoảng 359,4 triệu tấn. Hàng container ước đạt 11,7 triệu TEUs, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng thông qua nhiều như Vũng Tàu giảm 13%, Hải Phòng và TP.HCM giảm 3%.

Sự sụt giảm này chủ yếu do tình hình xuất khẩu giảm hơn 14% trong 6 tháng đầu năm, chỉ ghi nhận đạt 930,6 triệu USD. Tiêu thụ hàng hóa khó khăn, tồn kho tăng cao là câu chuyện nhìn thấy rõ ở các ngành dệt may, thủy sản, gỗ…

Nhìn ra câu chuyện này từ sớm nên hầu hết các doanh nghiệp ngành logistics đều lên kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức thấp hơn năm 2022. Dù vậy, với thực trạng sức cầu suy yếu, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành logistic trong quý I/2023 không mấy sáng sủa, với chỉ tiêu lợi nhuận giảm trên dưới 50% so với cùng kỳ năm ngoái và đều cách xa mục tiêu của năm.

  • Bứt phá trong nửa cuối năm

Ngành logistics đang hướng đến những chuyển biến tích cực hơn. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, giá cước cho thuê tàu trong nửa cuối năm 2023 có thể tăng 15 – 20% so với mức đáy và việc giảm hàng tồn kho sẽ kết thúc vào khoảng quý III/2023 và nền tảng của ngành sẽ cải thiện kể từ thời điểm đó.

Giá cước cho thuê tàu có một số chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm, ước tính có thể tăng 15 – 20% so với mức đáy, kỳ vọng việc giảm hàng tồn kho sẽ kết thúc vào khoảng quý III/2023.

Tuy nhiên, để tăng trưởng trong nửa cuối năm, Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, trước xu thế đánh thuế bảo vệ môi trường (thuế các-bon) của một số thị trường, sắp tới là EU, các doanh nghiệp logistics phải nắm bắt để kịp thời nâng cấp, cập nhật như các doanh nghiệp giao nhận chuyển sang sử dụng xe điện, các trung tâm logistics chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, doanh nghiệp sử dụng bao bì tái chế…

Dù vậy, nhìn về dài hạn, nhóm logistics vẫn có triển vọng lớn, bởi khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng cao và doanh nghiệp vận tải cũng sẽ hoạt động bận rộn hơn. Các tín hiệu hiện nay đều cho thấy xuất khẩu sẽ khả quan trong nửa cuối năm 2023, mở ra cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp logistics.

Bài viết liên quan